Những Luật Lệ Căn Bản cho Cơ Sở Thương Mại tại Hoa Kỳ
Người Việt xưa nay có câu "phi thương, bất phú”, ý nôm na là phải làm thương mại, buôn bán
thì mới giàu có. Tại Hoa Kỳ ngày nay, thực tế cho thấy quả thật đã có rất nhiều người gốc Việt
làm giàu nhanh chóng nhờ vào những cơ sở thương mại và dịch vụ nhỏ, điển hình là các tiệm
nail, nhà hàng, quán cà phê, tiệm bánh, sơn sửa xe cộ, v.v… Điểm đặc biệt và rất xác thực là có
nhiều người trong số đó từ bấy lâu nay vẫn không biết hoặc chỉ hiểu mù mờ về những luật lệ
thuế vụ và lao động rất phức tạp được áp dụng đồng đều cho mọi cơ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Và có lẽ cũng vì vậy mà nhiều người nhờ may mắn mà công việc làm ăn được suông sẽ và thành
đạt trong suốt bao năm qua, vẫn không hề nghĩ rằng mình đã vi phạm rất nhiều thứ luật lệ từ thuế
vụ đến lao động, mà nếu bị các cơ quan hữu trách kiểm tra thì chắc chắn là sẽ bị phạt vạ rất nặng.
Ai cũng biết rằng mọi người sống tại Hoa Kỳ nếu có đi làm việc, buôn bán, hoặc hành nghề tự
do, đều có bổn phận phải khai báo lợi tức và đóng thuế tùy theo hoàn cảnh và việc làm của mình.
Và theo quy định của sở thuế liên bang IRS, mọi khoản thu nhập từ một việc làm hay bất cứ
nghề nghiệp nào, kể cả những khoản được trả bằng tiền mặt, đều được kể là "lợi tức” (income)
phải khai báo và đóng thuế.
Luật là vậy, nhưng lâu nay vẫn có rất nhiều người đã không khai (hay khai bớt) lợi tức để tránh
đóng thuế. Rồi có người đi làm mà không muốn, hoặc không thể khai và đóng thuế lợi tức vì
một lý do nào đó, thường chọn cách đi làm "chui” lãnh tiền mặt vì cho rằng làm như vậy thì sở
thuế IRS không thể nào biết được. Trên thực tế, các cơ quan thuế vụ có nhiều cách thức để phát
giác những trường hợp gian lận hay man khai lợi tức để trốn thuế, vì vậy mà rất nhiều người
không khai báo lợi tức bằng tiền mặt đã bị kiểm toán và phạt vạ. Trong những năm gần đây, có
cả những vị tu hành cũng bị truy tố và lãnh án tù nhiều năm vì vô tình hay cố ý đã không khai
báo đầy đủ các khoản tiền mặt do tín hữu dâng cúng, mà theo sở thuế IRS thì các món tiền đó
dầu là dưới hình thức quà tặng, cũng được xem là "lợi tức” của người làm tu sĩ và phải chịu thuế.
Từ Luật Thuế Vụ đến Luật Lao Động
Thông thường thì hầu hết những người đi làm dầu part-time hay full-time đều được các cơ quan
thuế vụ và lao động xem như là "employee” (nhân viên/người làm công) của người chủ thuê
mướn mình. Tuy nhiên, có một số người đi làm trong một vài ngành nghề, nếu hội đủ các tiêu
chuẩn đề ra bởi sở thuế liên bang IRS và các cơ quan thuế vụ và lao động của tiểu bang nơi hành
nghề, cũng có thể được xem là "independent contractor” (người làm độc lập theo hợp đồng) chứ
không phải là "employee” của người chủ. Đây cũng là mấu chốt rất phức tạp tạo ra nhiều khác
biệt trong các quy định về thuế vụ và luật lệ lao động áp dụng cho người đi làm cũng như chủ
nhân các doanh nghiệp.
Nếu người đi làm là "employee”, nghĩa là nhân viên của chủ, luật thuế vụ và an sinh xã hội bắt
buộc người chủ phải trả lương bằng mẫu W-2, phải khấu trừ các khoản thuế lợi tức và thuế an
sinh xã hội của người "employee” ngay trong mỗi kỳ lương. Về phần người chủ, phải đóng thuế
lương bổng, đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tàn phế và trả phụ tiền thuế an sinh xã hội
cho người "employee”.
Ngoài vấn đề thuế vụ, luật lao động cũng đòi hỏi chủ nhân phải cung cấp cho người "employee”
nhiều thứ phúc lợi, ví dụ như phải trả lương tối thiểu hoặc giờ phụ trội (overtime) theo mức quy
định của liên bang hoặc tiểu bang, phải cho giờ ăn và giải lao, phải bồi hoàn các chi phí mà
"employee” tốn hao trong lúc làm việc cho thương vụ của người chủ, và tại hầu hết các tiểu
bang, người chủ còn bắt buộc phải mua bảo hiểm lao động (workers’ compensation insurance)
cho người "employee”. Mục đích của bảo hiểm lao động là để trả các chi phí y tế và tiền trợ cấp
cho người "employee” khi rủi ro bị thương tật hay tàn phế vì những tai nạn xảy ra trong lúc làm
việc, tránh cho chủ nhân không bị người làm thưa kiện về dân sự.
Vào thời điểm tháng 5/2010, mức lương giờ tối thiểu quy định bởi chính phủ liên bang là
$7.25/một giờ. Tuy nhiên, luật của 14 tiểu bang và vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn quy định cho
người đi làm được hưởng mức lương giờ tối thiểu nhiều hơn mức quy định bởi liên bang. Tại
California, mức lương giờ tối thiểu là $8.00, và hiện nay có ba tiểu bang quy định mức mức
lương giờ tối thiểu cao hơn California, đó là Washington ($8.55/một giờ), Oregon ($8.40/một
giờ) và Vermont ($8.04/một giờ).
Đối với vấn đề lương bổng của những người "employee” mà trong lúc làm việc có nhận thêm
tiền "tip” ngoài tiền lương giờ, điển hình là trường hợp những người hầu bản ở nhà hàng, một số
tiểu bang có luật cho phép chủ nhân được trả lương giờ dưới mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu tổng
số tiền lương giờ cộng với tiền "tip” vẫn không bằng mức lương giờ tối thiểu tính trên tổng số
giờ mà người "employee” đã làm trong một kỳ lương, chủ nhân phải trả thêm cho người này
phần sai biệt cho bằng với tiền lương giờ tối thiểu quy định bởi tiểu bang đó. Luật này không
được áp dụng tại California.
Tại California, ngoài việc không cho phép người chủ trả lương cho "employee” dưới mức tối
thiểu dù người này có nhận thêm tiền "tip” trong lúc làm việc, luật tiểu bang còn cấm chủ nhân
không được cắt xén hay giữ lại tiền "tip” của người "employee” dưới mọi hình thức, và không
được tính tiền "tip” để trừ vào phần lương trả thêm cho giờ phụ trội (overtime).
Như đã đề cập bên trên, theo những tiêu chuẩn căn bản của sở thuế IRS và cơ quan thuế vụ và
lao động tại các tiểu bang, có một số công việc mà người làm việc đó tùy vào mỗi trường hợp cá
biệt, có thể đựợc xem là "employee” hoặc cũng có thể là "independent contractor”, ví dụ như
những nhân viên địa ốc, thợ làm tóc hay làm nail, thợ may gia công tại nhà, người lái xe giao
hàng, v.v… Vì thế, một số người làm trong các ngành nghề này nếu hội đủ những tiêu chuẩn để
được xem là "independent contractor,” thì chủ nhân có thể trả công cho người này bằng mẫu
1099-MISC và không cần khấu trừ bất kỳ khoản thuế nào, vì người "independent contractor” có
bổn phận và trách nhiệm tự khai và nộp thuế lợi tức hàng năm của mình. Thêm vào đó, chủ nhân
cũng không bị ràng buộc bởi các luật lệ thuế vụ và lao động áp dụng với người "employee”.
Điều quan trọng cần lưu ý là chủ nhân phải tìm hiểu tường tận các tiêu chuẩn và quy định rất
phức tạp của luật pháp trước khi phân loại người làm của mình là "independent contractor”.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là nghề nail, trong thời gian gần đây đã bị phạt vạ rất nặng qua
các đợt kiểm tra của cơ quan thuế vụ và lao động vì đã trả lương cho người làm bằng mẫu 1099-
MISC mà không có đủ các dữ kiện để chứng minh người đó là "independent contractor”.
Những luật lệ khá phức tạp vừa kể trên đây đã có từ lâu nay và áp dụng cho mọi người có thu
nhập. Nói chung, luật pháp Hoa Kỳ quy định rằng ai có việc làm và có lợi tức thì phải khai báo
để đóng thuế, và người làm chủ các cơ sở thương mại dầu lớn hay nhỏ đều phải tuân hành một số
luật lệ về thuế vụ và lao động. Vì vậy, người đi làm "chui” lãnh tiền mặt để tránh đóng thuế, khi
bị cơ quan thuế vụ phát giác sẽ gặp nhiều rắc rối với luật pháp. Đối với chủ nhân, nếu thuê
người làm trả bằng tiền mặt và bị phát giác thì không những sẽ bị tội gian lận thuế vụ, mà đồng
thời còn bị phạt vì đã vi phạm luật lao động, và cũng có thể bị phạt vì phạm luật di trú nếu đã
thuê mướn những người không được phép đi làm việc tại Hoa Kỳ.
Gần đây tại khắp nước Mỹ, nhiều cơ sở tiểu thương đã bị phạt vạ khá nặng nề vì phạm luật thuế
vụ và lao động, từ trả tiền mặt cho nhân viên, trả lương dưới mức tối thiểu hoặc không trả thêm
giờ overtime, không có bảo hiểm lao động cho nhân viên, v.v…, cho đến việc tự ý phân loại
người làm là "independent contractor” mà không theo đúng tiêu chuẩn và quy định của các cơ
quan thuế vụ và lao động. Riêng tại California, để đối phó với vấn đề đi làm "chui” và các
doanh nghiệp thuê người giúp việc trả tiền mặt vi phạm luật thuế vụ và lao động, tiểu bang này
từ năm 1993 đã thành lập một lực lượng hỗn hợp gồm nhiều cơ quan hữu trách mang tên là "The
Joint Enforcement Strike Force on the Underground Economy” có nhiệm vụ truy tìm, điều tra và
xử lý những trường hợp vi phạm.
Tóm lại, Hoa Kỳ là nơi vốn có rất nhiều cơ hội để kinh doanh buôn bán, nhưng người làm
thương mại ở đây cũng bị chi phối bởi nhiều thứ luật lệ rất phức tạp mà khi vô tình hay cố ý vi
phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng, thậm chí còn có thể bị tù giam. Ngoài những ràng buộc về thuế vụ,
chủ nhân các doanh nghiệp còn phải tuân theo những điều luật rất chặt chẽ của chánh phủ nhằm
bảo vệ sức lao động của công nhân viên, bao gồm cả thành phần di dân lậu đi làm "chui” không
có giấy tờ hợp pháp tại Mỹ. Vì vậy, người làm thương mại ở đây, đặc biệt là giới chủ nhân các
doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, tiệm nail, v.v…, nếu không nắm vững các luật lệ hiện hành áp
dụng cho ngành nghề hay cơ sở thương mại của mình, nên sớm tìm hiểu và điều chỉnh sao cho
hợp lệ để tránh bị phạt vạ đáng tiếc.
Muốn biết thêm thông tin, có thể liên lạc với tác giả qua điện thoại số (949) 943-4396.