Giải mã bộ nhớ của bạn
Trí nhớ chúng ta hoạt động ra sao?
Theo bác sĩ thần kinh học người Pháp Monique Le Poncin, để hiểu rõ quá trình ghi nhớ, trước tiên cần biết đến những khu vực khác nhau trong não bộ tương ứng với mỗi một chức năng đặc biệt. Điển hình như khu thị giác nằm trong vùng chẩm, khu thính giác nằm trong vùng thái dương, các khu vận động và giác quan nằm ở vùng vách, các khu ngôn ngữ nằm ở vùng thái dương và vùng trán, nơi lưu trữ các thông tin có tính lâu dài.
Quá trình ghi nhớ diễn ra trong 3 giai đoạn:
Tiếp nhận: Khi một thông tin đi vào não bộ, tùy theo bản chất (thị giác, xúc giác, thính giác…) nó sẽ được tiếp nhận vào trong khu giác quan, nơi các dây thần kinh nối kết giữa chúng thành một mạng để chuyển tải thông tin nhận được vào trong các khu vực khác của não bộ.
Lưu trữ: Để thông tin này sau đó thực sự được lưu trữ, tồn tại hơn 24 giờ đồng hồ, từ một ký ức tức thời thành một ký ức lâu dài, nó phải đi sâu vào bên trong các dây thần kinh và biến chúng thành các protein, như thể là một ổ đĩa cứng lưu trữ thông tin lâu dài. Bác sĩ Monique Le Poncin giải thích: “Nói chung chính tự bản thân một người quyết định ghi nhớ một sự kiện hoặc một biến cố có tính lâu dài. Tuy nhiên, nếu xảy ra một sự cố giác quan ở cường độ mạnh có thể làm phát sinh quá trình lưu trữ tự động các thông tin. Điển hình như nhìn thấy một khuôn mặt ghê sợ thời thơ ấu có thể để lại các dấu nhớ trong một thời gian dài.
Phục hồi: Đây là giai đoạn sử dụng các thông tin đã được lưu trữ. Quá trình phục hồi này diễn ra khi người ta tự nguyện hoặc vô ý gặp phải các thông tin tương tự hoặc xảy ra các dấu hiệu kích thích quá trình gợi nhớ.
Các vấn đề của trí nhớ
Theo bác sĩ Bruno Dubois, một nhà thần kinh học khác, những trục trặc trong trí nhớ hoặc không thể ghi nhớ có thể do một vận hành sai lệch trong các giai đoạn nói trên:
Trường hợp thứ nhất: Thông tin nhập khiếm khuyết. Quá trình nhập tùy thuộc vào các khả năng ghi nhận và cả vào chất lượng chú ý. Nếu người ta mỏi mệt, căng thẳng, lo âu thì không thể tập trung đủ và việc ghi nhập các yếu tố để đưa vào bộ nhớ ít nhiều bị tác động. Nguyên nhân khác là do tuổi tác. Bác sĩ Monique giải thích: “Khi lớn tuổi, một số giác quan tiếp nhận biến đổi (nhất là cặp mắt và đôi tai). Bởi vậy, khi người ta cảm nhận kém một môi trường, các thông tin thị giác và thính giác tuột khỏi sự chú ý và từ đó khó có thể được lưu trữ”.
Trường hợp thứ hai: Lưu trữ kém. Bác sĩ Monique giải thích: “Thông tin dù đã được lưu trữ tốt, như xảy ra vấn đề ở hệ thống chuyển tải các dây thần kinh nơi bình thường thông tin tự chuyển đổi thành dấu nhớ. Trong trường hợp này có một sự biến đổi các dây thần kinh là nguyên nhân, có nghĩa là một dạng bệnh lý suy thoái thần kinh. Ký ức trượt đi, không được khắc ghi và bệnh nhân không thể lưu giữ bất cứ dấu vết biến cố nào của cuộc sống”.
Trường hợp thứ ba: Phục hồi khó khăn các thông tin đã được lưu trữ. Bác sĩ Monique giải thích tiếp: “Khi lớn tuổi, người ta càng lúc càng tỏ ra khó phục hồi các thông tin. Tại sao? Theo thời gian, các tế bào thần kinh ở thùy trán suy giảm hoạt động do tiêu thụ ít năng lượng. Thùy trán là nơi các chiến lược phục hồi được tổ chức”. Khi lớn tuổi cơ thể không còn điều tiết hoàn hảo hàm lượng glucose trong máu. Não bộ bởi vậy ít được cung cấp năng lượng. Theo thống kê mới nhất, những đối tượng bị “hỏng” trí nhớ gia tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây và đặc biệt trong độ tuổi từ 40 đến 50. Tại sao có hiện tượng độ tuổi này? Bác sĩ Monique giải thích: “Do stress chủ yếu từ đời sống, công việc hằng ngày càng cạnh tranh và thúc bách. Trong các cơ sở kinh tế ngày nay người ta đòi hỏi các viên chức cấp cao làm việc nhiều hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn”.
Những dưỡng chất bảo trì bộ nhớ
Để bộ nhớ của bạn vận hành tốt cần có hai điều kiện chủ yếu: các màng tế bào thần kinh phải được trong tình trạng tốt và các nhu cầu năng lượng cho não bộ phải luôn được đáp ứng. Để bảo trì, các mảng tế bào thần kinh cần cung cấp các acid amin để tạo protein và một số acid béo để cấu trúc. Tất cả các acid này có nhiều trong thịt, trứng và các hải sản cùng một số tinh dầu như dầu cải, dầu của các loại quả hạch (drupe). Những nghiên cứu trên động vật cho thấy trong trường hợp thiếu các acid nói trên, các màng thần kinh trở nên quá cứng, gây cản trở đến quá trình lưu trữ và phục hồi các thông tin.
Để đáp ứng các nhu cầu cho não bộ, dưỡng chất chính là glucose. Được đốt cháy với oxygen để tạo thành năng lượng, đây là nhiên liệu phải có thường xuyên trong cơ thể (như xăng dầu đối với xe). Nhu cầu này có thể được đáp ứng hoàn hảo nhờ dung nạp các loại đường phức hợp “chậm” cung cấp glucose cho máu trong một thời gian kéo dài và với hàm lượng ổn định. Một số bữa ăn sáng không cung ứng đủ glucose (thiếu bánh mì chẳng hạn) cho các dây thần kinh có thể làm giảm khả nằng ghi nhớ (chủ yếu là ghi nhớ thị giác) ở mức 15%. Cũng vậy, không như lầm tưởng, bữa ăn tối cũng cần được cung ứng các đường “chậm” để kích thích quá trình ghi nhớ ban đêm. Khi ngủ, não bộ xếp loại một cách vô thức các biến cố xảy ra trong ngày thành các thông tin để lưu trữ chúng. Thiếu glucose não bộ sẽ lưu trữ kém. Cần nhớ, khi bạn mơ chỉ riêng vùng trán tiêu thụ 20% năng lượng và trong trường hợp ác mộng, mức tiêu thụ này lên đến 30% theo như nhận định của bác sĩ Bruno Dubois.
|